Những ngày cuối tháng 11, khi dư âm của các cơn bão, lũ lụt liên tiếp hoành hành tại các tỉnh miền trung trong năm 2013 vẫn còn. Đoàn chúng tôi gồm Công ty Cp Matexim Hải Phòng và Công ty CP Hatexim do Chủ tịch HĐQT Ông Phạm Văn Hát và Tổng giám đốc Phạm Văn Toản dẫn đầu có chuyến hành trình viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm các di tích lịch sử gắn liền với nhiều chiến công trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và chuyển tới tận tay những đồng bào miền Trung món quà đầy ý nghĩa sau trận lũ lịch sử.
Ngã ba Đồng Lộc
Ngã 3 Đồng Lộc thuộc địa phận của huyện Cam Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nơi bắt đầu của con đường Trường Sơn lịch sử đã phải oằn mình chịu những vết thương của chiến tranh. Những ngày cuối tháng 11 trong tiết trời se lạnh bên canh đó là các đợt mưa nặng hạt, không gian như lắng lại, nơi chúng tôi đứng đây đúng 45 năm trước được mệnh danh là “tọa độ chết” là “túi bom” mà đế quốc Mỹ đã thả xuống nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và cũng tại đây đã chứng kiến sự hy sinh của mười cô gái thanh niên xung phong mà đến nay vẫn còn làm quặn thắt trái tim những người đang sống khi nghĩ đến Ngã 3 Đồng Lộc. Chứng kiến sự hy sinh mất mát đó, trong mỗi chúng tôi không khỏi xúc động, ngẹn ngào và đã có những giọt nước mắt lăn dài trên má khi xem đoạn băng của kể lại chiến công của 10 cô gái tại nhà đón tiếp và được nghe giọng thuyết minh đầy cảm động của đồng chí Phó ban quản lý di tích.
Cả đoàn ngồi xem phim tư liệu về chiến công của 10 cô gái TNXP |
Trưa ngày 24/7/1968, 10 cô gái TNXP tiểu đội 4, đại đội 552 thuộc Tổng đội thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh do chị Võ Thị Tần-tiểu đội trưởng ra làm nhiệm vụ, sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải. 16h30’ trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm nơi 10 cô gái đang tránh bom. Tất cả các chị đã hy sinh ở độ tuổi 18 đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình.
Đứng trước mộ các chị xếp thành 2 hàng ngang tập hợp, khóe mắt cay cay chúng tôi xin được chắp tay kính cẩn dâng lên các chị những bông hoa cúc trắng tinh khiết. Dưới khói hương mông lung, ảnh các chị vẫn đầu đội mũ tai bèo vẫn cười hồn nhiên và tên tuổi các chị đã trở thành bất tử.
Phía đối diện Nhà đón tiếp có một đỉnh đồi Mòi bây giờ được gọi là đồi La Thị Tám – Người con gái sông La. Trời mơ xanh bằng trời Can Lộc/ chứ nước mơ xanh bằng dòng nước sông La./Ai về Hà Tĩnh mà quê ta, nhớ chăng, nhớ chăng đôi mắt ơ..ơ.. /Người con gái sông La kiên cương. Đây là những khúc hát tâm tình mà nhạc sĩ Doãn Nho đã dành tặng anh hùng La Thị Tám. Người con gái nhỏ bé như hạt mít nhưng lại đảm nhiệm một công việc nguy hiểm, ngày đêm đối diện với cái chết. Nhiệm vụ của chị Tám là đứng trên đỉnh đồi Mòi nhìn thật tinh và hết sức tập trung xem có bao nhiêu quả đã rơi, bao nhiêu quả đã nổ (đường từ trên đỉnh đồi xuống đến chỗ bom là khoảng 4km) để khi máy bay đi khỏi thì chạy đến cắm tiêu chờ bộ đội công binh đến rà phá. Suốt 200 ngày đêm, các chị đã đếm được, cắm tiêu được 1.205 quả bom tấn, bom tạ.
Viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đoàn chúng tôi sau khi chào từ biệt các chị lại lên đường đến một địa chỉ được hình thành cách đây 49 ngày, nơi an nghỉ của vị khai quốc công thần số 2 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Dĩ công vi thượng”, 4 chữ này theo Đại tướng suốt cuộc đời mà cho đến khi Đại tướng nằm xuống vẫn đau đáu.
Hôm nay chúng cháu về đây, đứng trước mộ Đại tướng, lư hương nghi ngút khói chúng cháu xin dành 1 phút cúi đầu mặc niệm tiễn biệt Đại tướng và mỗi người trong đoàn ánh mắt nặng trĩu tiếc thương cho vị tướng anh hùng, Đại tướng trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Mộ Đại tướng được một tiểu đội Bộ đội biên phòng tỉnh quảng Bình gồm 10 chiến sỹ bảo vệ ngày đêm không quản nắng mưa, mỗi chiến sỹ được phát 1 bộ trang phục được thiết kế riêng để làm nhiệm vụ. Khu vực Vũng Chùa, Đảo Yến nơi Đại tướng an nghỉ đã được gia đình chọn từ năm 2006 nằm trong khu vực Khu Công nghiệp Cảng biển Hòn La, dưới chân Đèo Ngang, là nơi mà với tầm phát triển của mươi năm nữa thôi, sẽ là một Khu kinh tế biển, du lịch cực lớn và đầy tiềm năng. Hòn La còn là cảng biển được coi là sâu và lý tưởng nhất nước ta.
Đại tướng đã chọn nơi an nghỉ thật tuyệt vời. Từ đây, đêm ngày Người làm bạn với tiếng sóng biển khơi, với cát trắng, với tiếng vi vu của rừng cây phi lao già, với cả những tiếng hót líu lo của ngàn vạn đàn chim yến mùa làm tổ. Nơi đây, Người thanh thản yên giấc ngàn thu, giữa thiên nhiên, trong đất đai Quảng Bình quê hương. Và chắc chắn, khu mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cảnh quan lý tưởng của Khu du lịch Vũng Chùa, Đảo Yến ở Hòn La này sẽ trở thành một Khu du lịch vừa tâm linh ngưỡng vọng Đại tướng, vừa là nơi nghỉ dưỡng của khách du lịch trong và ngoài nước.
Thắp hương trước mộ Đại tướng |
Và hình như, ngay cả khi nghĩ tới ngày ra đi, Đại tướng của chúng con cũng nghĩ về một vùng quê nghèo Quảng Bình, và Người muốn khi mình nằm xuống, danh thế của Người sẽ góp sức làm cho Khu du lịch Vũng Chùa- Đảo Yến và cả khu kinh tế biển Hòn La- Quảng Bình có sức vươn dậy. Đại tướng là như thế, luôn bên cạnh nhân dân, luôn nằm trong quê hương Quảng Bình yêu dấu. Và huyện Lệ Thủy, có vinh dự là nơi sinh thành ra Đại tướng thì huyện Quảng Trạch của mình là nơi ôm ấp giấc ngủ ngàn thu của Người.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn.
Sau khi nghỉ 1 đêm tại khách sạn Sài Gòn – Quảng Bình nằm bên cạnh sông Nhật Lệ, đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại để đến 2 nghĩa trang lớn nhất cả nước Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tọa lạc trên những vạt đồi tại Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Những ngôi mộ liệt sĩ đầu tiên được quy tập tại đây từ cuối năm 1974. Nhưng đến cuối tháng 10/1975 nghĩa trang mới bắt đầu được xây dựng và hoàn thành vào tháng 4/1977. Đây là nơi quy tập 10.333 hài cốt các liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại - còn được gọi là đường mòn Hồ Chí Minh.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn có quy mô nhất Việt Nam, có kiến trúc khá độc đáo, được chia thành nhiều khu. Trong đó, Khu tưởng niệm nằm ở trung tâm trên một ngọn đồi cao hơn 32m từ dưới cổng đi lên. Ở đây có 6 bức phù điêu được chạm khắc bằng đá ghi lại những hình ảnh các binh chủng của bộ đội Trường Sơn. Ở giữa sân có đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghi, rỗng ruột và khuyết ba mặt. Phía sau tượng đài có một cây bồ đề thiêng tự mọc. Quanh tượng đài là các khu mộ liệt sĩ, được tập trung theo tỉnh, thành phố, mỗi khu gồm các mộ liệt sĩ của một tới ba tỉnh. Nằm về phía trái của tượng đài Tổ quốc ghi công là khu mộ liệt sĩ vô danh với 68 ngôi. Từ khu tưởng niệm nhìn ra phía trước là hồ nước. Nghĩa trang nằm ở vào thế “địa linh” với đồi, núi, sông suối bao quanh. Các phần mộ được xây kiên cố, có sơ đồ mộ chí, được các quản trang trông nom, giữ gìn chu đáo. Đường đi trong nghĩa trang được lát đá, gạch hoặc tráng xi măng, hai bên có nhiều cây xanh và hoa khiến mọi người không có cảm giác lạnh lẽo, u tịch. Mỗi khu mộ đều có nhà tưởng niệm với kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng quê đất nước. Trong Nghĩa trang còn có Đại Hồng chuông đặt tại tháp chuông, trên thân chuông có khắc lời đề từ của Giáo sư Anh hùng Lao động Vũ Khiêu:
Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ
Dạt dào Đông Hải khí anh linh
Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí
Muôn dặm non song nặng nghĩa tình.
Mỗi người trong đoàn chúng tôi tay cầm những nén hương thơm chia nhau đi thắp cho từng ngôi mộ, một thành viên trong đoàn đến đây nhiều lần kể các ngôi mộ ở đây có những ngôi là mộ giả vì gia đình đã quy tập về quê hương. Tới đây, ai cũng có ý thức giữ yên lặng khi đi lại, nói chuyện để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của các anh.
Chúng tôi dừng lại trước Khu mộ liệt sỹ của Hải Phòng. Phù điêu đặt chính giữa khu mộ lấy ý tưởng 5 cánh hoa phượng biểu tượng của thành phố được ốp đá màu đỏ trắng cao khoảng 9m.
Phù điêu khu mộ Hải Phòng - Nghĩa trang Trường Sơn |
Thắp hương trước khu mộ Hải Phòng - Nghĩa trang Trường Sơn |
Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9
Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 đường nâng cấp từ nghĩa trang liệt sỹ thị xã Đông Hà nằm trên quả đồi mặt quay ra hướng đường 9 nối liền từ cửa khẩu Lao Bảo về tới Đông Hà. Đây là nơi an nghỉ của hơn 1 vạn các anh hùng liệt sỹ (con số chỉ mang tính tương đối vì có những ngôi mộ tập thể) có diện tích hơn 13 ha với đầy đủ 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong từng chiến đấu trên mặt trận đường 9 và Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Tượng đài chiến thắng cao 18m, phần bệ tượng được kiến trúc thành 2 phần: mộ tượng phía đông là biểu tượng sự đổ nát của thành cổ Quảng Trị, mộ tượng phía tây tượng trưng cho một ngọn núi trong đại ngàn của dãy Trường Sơn. Phần tượng thể hiện hình ảnh anh bộ đội giải phóng quân Việt Nam với cô thiếu nữ và em bé người Lào mừng chiến thắng sau ngày chiến tranh kết thúc, biểu thị cho tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt – Lào.
Khu mộ Hải Phòng nằm bên trái tượng đài có 144 liệt sỹ, các anh chủ yếu quê ở Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Dương thuộc các sư đoàn 320, 308. Khu mộ không có biểu tượng lớn như ở nghĩa trang Trường Sơn, chỉ là tấm bia màu đỏ cao chừng 1,5m nhưng sự hy sinh lớn lao của các anh để giải phòng dân tộc là không hề nhỏ. Chúng tôi chia nhau thắp cho các anh từng nén hương thơm và kính dâng các anh những ngụm rượu để các anh vơi đi một phần nỗi nhớ nhà.
Nghia trang Đường 9 - Quảng Trị |
Thành cổ Quảng Trị.
Địa chỉ cuối cùng mà chúng tôi đến là Thành cổ Quảng Trị, một địa điểm đầy linh thiêng. Khi vừa đến nơi trong đầu tôi nghe văng vẳng đâu đây lời ca: “Cỏ non thành cổ một màu xanh non tơ, nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ. Người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về…Cho tôi hôm nay vào Thành cổ, thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ..” Cả đoàn không ai bảo ai, bước những bước rất nhẹ nhành trên những mét đất, ngọn cỏ thấm đẫm máu của các anh những từng chiến đấu dòng dã trong 81 ngày đêm để bảo vệ Thành cổ.
Sau khi hành lễ, thắp hương trước nấm mồ chung biểu tượng của Thành cổ, chúng tôi nghe cô hướng dẫn viên bằng chất giọng trầm ấm kể lại những chiến công anh dũng của các anh đã chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này. Bên cạnh Thành cổ là con sông Thạch Hãn, nơi đây từ ngày 28/6 đến 16/9/1972 bộ đội ta ngày ngày vượt sông Thạch Hãn sang chi viện cho chiến dịch để bảo vệ Thành Cổ và đã có hàng ngàn các anh đã hy sinh, máu các anh đã nhuộm đỏ dòng sông này, nơi được xem là “dòng sông nghĩa trang”. Nhà báo Lê Bá Dương một trong những chiến sỹ tham gia chiến đấu tại Thành cổ nghẹn ngào viết lên những dòng thơ:
Đò lên Thạch Hãn ơi…chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.
Dâng vòng hoa tại Thành cổ Quảng Trị |
Thắp hương tại Thành cổ Quảng Trị |
Ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi đã đến 2 xã Quảng Tùng và Quảng Kim thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình nơi trực tiếp hứng chịu cơn bão số 11 và trận lũ lịch sử. Tại đây đại diện cho hai công ty Matexim Hải Phòng và Hatexim đã trao tận tay những món quà cho bà con để khắc phục những hậu quả mà cơn bão và trận lũ đã gây ra.
Chuyến hành trình về miền tâm linh mang đầy ý nghĩa. Chúng tôi nhớ lại những ngày tháng hào hùng của cả dân tộc chiến đấu và hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Bài và ảnh: ThS.Kts. Nguyễn Hoàng Hưng
(Nguồn tham khảo: internet)