"Âm thầm" đóng cửa ngân hàng yếu kém?

Đồng thời với đó là cam kết bảo vệ lợi ích của người gửi tiền sẽ tiết kiệm chi phí và tổn thất xã hội sẽ thấp nhất.

Theo thông lệ quốc tế, việc đóng cửa các ngân hàng không có khả năng tồn tại một cách có trật tự (đồng thời chi trả bảo hiểm tiền gửi hoặc bán phần hoạt động tốt cho ngân hàng khác) là một trong những giải pháp được coi là ưu tiên hàng đầu để xử lý các NH yếu kém, thanh lọc hỏi hệ thống. Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước cũng đồng tình với quan điểm này.

Chia sẻ quan điểm về việc mạnh dạn để các ngân hàng yếu kém “ra đi”, ông Quách Mạnh Hào-Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán MB, cho rằng trong bối cảnh các NH đang có xu hướng tiến tới mô hình ponzi (dùng tiền người này trả người khác) thì chúng lại được sự bảo lãnh rất lớn của Chính phủ, NHNN là không để NH nào phá sản.
“Nếu tôi là ông chủ, tôi thấy sự bảo lãnh đó là quá lớn. Tôi sẵn sàng huy động tiền ở ngoài bằng mọi giá và tôi không phải chịu trách nhiệm. Vì tôi đã được Chính phủ bảo lãnh rằng NH của tôi sẽ không bị phá sản”.

Cùng quan điểm này, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, lo lắng về việc không đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, dẫn đến tâm lý hoang mang, gây ra đổ vỡ hệ thống là trách nhiệm, trước hết phải thuộc về các ông chủ ngân hàng - những người đã trực tiếp ký nhận tiền gửi với khách hàng - chứ không thể là Chính phủ.

 

Do vậy, thông điệp không để đổ vỡ ngân hàng cần mang nội hàm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, thay vì các cổ đông. Buộc phải phá sản những ngân hàng yếu kém là một hình thức trừng phạt có ý nghĩa và đỡ tốn kém hơn nhiều so với bất kỳ sự cam kết nào khác của Chính phủ.

Đồng tình với các chuyên gia, TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đai học Kinh tế-ĐHQGHN- cho rằng, các giải pháp Nhà nước hỗ trợ thanh khoản hoặc bỏ tiền ra cứu các ngân hàng yếu kém là không khả thi, xét cả trên giác độ nguồn lực tài chính và rủi ro lợi ích nhóm. Do vậy, một phương án cho phép các ngân hàng yếu kém “âm thầm” đóng cửa trên cơ sở bảo vệ lợi ích của người gửi tiền sẽ tiết kiệm chi phí và tổn thất xã hội sẽ thấp nhất.

Bài toán chọn giải pháp

Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu được tiến hành theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”.

Có hai nhóm giải pháp đang được tập trung thực hiện ở Việt Nam đó là: sáp nhập các ngân hàng trong nước với nhau và khuyến khích các NH nước ngoài nắm giữ cổ phần tại các NH trong nước, tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Giải pháp được nhiều người ủng hộ nhất trong thời điểm hiện nay là sáp nhập các NH để phân chia theo khu vực hoạt động.

Việc xác định chính xác và xử lý nợ xấu được coi là ưu tiên hàng đầu cho các biện pháp ngắn hạn để tái cấu trúc NH hiện nay, tiếp theo là tăng vốn tự có và cải thiện lòng tin của dân chúng đối với hệ thống NH. Rõ ràng, một trong những quan ngại lớn nhất của giới chuyên gia và lãnh đạo NH vẫn là việc xác định chính xác tỷ lệ nợ xấu và xử lý nợ xấu, để có thể bắt đúng bệnh và đưa ra liều thuốc chữa bệnh phù hợp. Chẳng ai biết chính xác nợ xấu của hệ thống NH hiện nay là 4,47, 8,6 hay 10%?

Một thực tế nữa là trong đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”, vai trò của Bảo hiểm tiền gửi rất mờ nhạt, không tỏ rõ được vai trò và trách nhiệm của BHTG khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng, bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền. Điều này hoàn toàn không phù hợp với thông lệ quốc tế, khi khủng hoảng NH xảy ra, chính BHTG là tổ chức đứng ra xử lý khủng hoảng và là cơ quan đầu mối tham gia thực hiện tái cấu trúc (kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc, Đài Loan).

“Do vậy, với nguồn lực tái cấu trúc không rõ ràng, với sự tham gia mờ nhạt của tổ chức BHTG, có thể nói, sự thành công của quá trình tái cấu trúc hoàn toàn phụ thuộc vào “tài tình” của NHNN, cơ quan duy nhất là đầu mối thưc hiện tái cấu trúc hệ thống NH ở Việt Nam hiện nay” – TS Nguyễn Hồng Sơn và các đồng nghiệp đã nhấn mạnh điều này trong nghiên cứu của mình.

Về cơ quan thực hiện tái cấu trúc, nhiều ý kiến cho rằng, nên là NHNN. Tuy nhiên, cái không được của việc đặt lên vài NHNN nhiệm vụ này là thông tin không minh bạch và chỉ có nội bộ NHNN nắm được kế hoạch tái cấu trúc trước khi đưa ra công bố công khai; thiếu sự kết hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, như Bộ Tài chính, Ủy Ban giám sát tài chính quốc gia; chi phí tái cấu trúc không xác định được chính xác; có thể dẫn đến mâu thuẫn lợi ích hoặc nảy sinh vấn đề lợi ích nhóm.

Nhìn nhận một cách dễ dàng nhất, khó khăn lớn cản trở quá trình tái cấu trúc ngân hàng ở Việt Nam là: dân chúng thiếu niềm tin và thiếu cơ sở pháp lý cho tái cấu trúc. Điều này có thể lý giải vì sao, đề án tái cấu trúc đã đưa ra quan điểm không để xảy ra đổ vỡ NH và không rõ ràng trong việc xác định chi phí của việc tái cấu trúc.

“Cần có cơ chế công khai, minh bạch thông tin về cá nhân/nhóm sở hữu không chỉ ở các ngân hàng mà còn ở các doanh nghiệp, nhất là một số tập đoàn. Đặc biệt, trong quá trình tái cấu trúc, một vấn đề cần được xem xét và giải quyết một cách thấu đáo là sở hữu chéo giữa NH và DN cũng như giữa các NH để giảm thiểu rủi ro trong quá trình tái cấu trúc” – TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh./.

(Theo VOV)


Warning: Use of undefined constant INTEGER - assumed 'INTEGER' (this will throw an Error in a future version of PHP) in /home/mateximhp/public_html/application/modules/default/models/New.php on line 108
HOANG6756